Lành nghề + văn hóa nghề = Nhân viên chuyên nghiệp!


Công nhân sẵn sàng bỏ việc, “cùng lắm thì về quê”, nhân viên công sở lên cơ quan… nghỉ mát; lao động sang làm việc ở nước ngoài có cơ hội là bỏ trốn… Đây là những ví dụ cụ thể, dễ hiểu cho một thuật ngữ trìu tượng, ít được nhắc đến: Văn hóa nghề - khái niệm được Hội dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) bàn bạc tại hội thảo Văn hóa nghề ngày 28/7 tại Hà Nội.
Cản trở vì tâm lý "sẵn sàng về quê"
Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội dạy nghề VN cho rằng, mỗi năm VN đào tạo được khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó, hàng trăm ngàn người đã có việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, một thực tế không thể phủ nhận là VN vẫn thiếu lao động có chất lượng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là văn hóa nghề chưa được trang bị đầy đủ!
Ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế VN đã chỉ ra một vấn đề được coi là khá nổi cộm đối với lao động xuất khẩu, đó là tình trạng “3 không”: không có nghề, không biết ngoại ngữ, không có tác phong công nghiệp.
Theo dẫn chứng của ông Tuấn Anh, sau khi đăng ký đi xuất khẩu lao động, người lao động mới được học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc nên tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hóa ứng xử nơi sẽ đi làm việc hầu như không nắm một cách đầy đủ.
"Do đó, chỉ cần có mâu thuẫn với chủ là lao động ngay lập tức bỏ làm, khiến kiện. Một số người không tuân thủ pháp luật nước sở tại, chơi cờ bạc, uống rượu, đánh nhau. Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn xảy ra ở hầu khắp các thị trường. Đó là do người lao động thiếu một “phông” văn hóa cần thiết" - ông Tuấn Anh khẳng định.
Về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học VN lại nhìn nhận: “Một tâm lý chung diễn ra trại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN,KCX) hiện nay là "sẵn sàng về quê”, chối từ những yêu cầu về quản lý công nghiệp”.
Theo ông Quốc, hiện tượng lao động bỏ việc, không chịu ký hợp đồng lao động lâu dài, không quan tâm đến việc nộp bảo hiểm lao động, sẵn sàng về quê là khá phổ biến và gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp.
Ngay cả với người lao động ở khu vực các cơ quan nhà nước, công sở, văn hoá nghề cũng không đáp ứng được yêu cầu. GS.TS Vũ Dũng - Viện trưởng Viện tâm lý cho hay: Tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm không cao của người lao động thể hiện ở cả các công sở, cơ quan nhà nước đó là tình trạng cán bộ đi muộn, về sớm, không làm đủ 8 giờ. Trong thời gian làm việc lại thiếu tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tụ tập đi uống cà phê, ăn nhậu… làm việc theo kiểu “nhất thân, nhì quen”...
Tình trạng thiếu hiểu biết về văn hóa lao động nghề nghiệp diễn ra trầm trọng hơn tại các làng nghề thủ công, tiểu công nghiệp. Hiện cả nước có 1.500 làng nghề với hơn 4,2 triệu lao động. Sản xuất với công nghệ lạc hậu, điều kiện an toàn lao động kém, nhân công không được đào tạo là nguyên nhân của tình trạng tai nạn lao động cao, tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp lớn, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, tác hại không chỉ tới người trực tiếp sản xuất mà toàn bộ dân cư sinh sống trong khu vực.
Dạy nghề, quên dạy văn hóa
Tuy nhiên, đi tìm một định nghĩa về văn hóa nghề là một việc không đơn giản. Bởi lẽ văn hóa là một khái niệm trìu tượng, khó cân đong đo đếm. Một cách tương đối, Hội thảo đã thống nhất đưa ra một “công thức”: văn hóa nghề = kiến thức nghề + trình độ tay nghề + đạo đức nghề + thái độ hành nghề + sự nhận biết, khả năng xây dựng và thích nghi môi trường.
Hiểu một cách đơn giản là văn hóa nghề có thể biến một người thợ lành nghề thành một người chuyên nghiệp.
Ông Ngô Thế Hiền, tác giả đề án Văn hóa nghề, đưa ra dự báo: Trong các KCN, KCX hoặc người lao động VN buộc phải theo môi trường văn hóa doanh nghiệp do giới chủ tạo ra, hoặc có phản ứng tiêu cực với môi trường đó. Cả hai đều không có lợi.
Ông Hiền phân tích, nguyên nhân là người lao động không có đủ kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề.
Mà thiếu văn hóa nghề biểu hiện ở hoạt động dạy nghề. Ông Hiền dẫn chứng: "Luật dạy nghề cũng như những quy định khác liên quan đến dạy nghề không hề có môn học hoặc tiết học có liên quan đến những tiêu chí được coi là liên quan đến văn hóa nghề".
Với lý do này, Ban chủ nhiệm đề án Văn hóa nghề dự kiến sẽ thành lập Trung tâm văn hóa nghề nhằm tiếp tục nghiên cứu, khảo sát thí điểm văn hóa nghề tại một số cơ sở dạy nghề và tại một số tổ chức kinh tế.
Đỗ Minh(nguồn: VietnamNet.vn)

Văn hóa nghề - Thước đo nguồn nhân lực: Khơi gợi lòng yêu nghề ở giới trẻ


Việc phát triển học vấn vẫn là xu hướng được lựa chọn chủ yếu, còn học nghề chỉ là phương án dự phòng trong thanh thiếu niên
Văn hóa nghề biểu hiện trước hết ở sự nhận thức về nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp và việc học nghề. Nói cách khác, văn hóa nghề biểu hiện ở quan niệm về sự tiếp cận các cơ hội học nghề, lựa chọn nghề và vun đắp giá trị nghề nghiệp cho tương lai. Đáng lo nhất là giáo dục nhận thức về văn hóa nghề gắn với định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp trong thanh thiếu niên còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.
Xã hội trọng bằng cấp
Sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua ở VN cho thấy vẫn còn tồn tại sự phân bố chưa hợp lý về nguồn nhân lực, nổi bật nhất là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Số lượng sinh viên được đào tạo qua các trường ĐH tăng mạnh, trong khi lực lượng lao động kỹ thuật, thợ tay nghề bậc cao lại thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nhận thức và hành vi văn hóa nghề của thanh thiếu niên. Một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên vẫn bám giữ những giá trị, chuẩn mực nghề nghiệp cũ, coi trọng khoa cử, bằng cấp mà ít quan tâm đến các nghề lao động trực tiếp.
Một thực trạng rất đáng lo ngại là trong khi nhiều khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng và đi vào hoạt động thì vẫn có không ít gia đình vẫn ôm mộng khoa cử, chỉ mong muốn con cái thi đỗ ĐH và theo đuổi giấc mộng “làm quan”, “làm thầy”. Khảo sát của chúng tôi tại một số khu vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Khu Kinh tế Dung Quất, cho thấy có tới 48,8% thanh thiếu niên cho rằng cần phải học xong THPT rồi mới tính đến những bước tiếp theo; 37% thừa nhận để vào đời thuận lợi thì tấm giấy thông hành cần thiết vẫn phải là bằng tốt nghiệp ĐH hay trên ĐH. Ngược lại, chỉ có 6,7% ý kiến nói cần phải có nghề giỏi và 1,3% trả lời không biết...
Như vậy, phần đông ý kiến vẫn cho rằng học lên cao mới là cơ sở đích thực để phát triển nghề nghiệp, còn học nghề chỉ là phương án dự phòng.
Nhận thức học nghề: Lệch hướng
Đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của quá trình tuyển chọn và sử dụng đội ngũ lao động công nghiệp. Để có thể đạt trình độ tay nghề nhất định, người lao động phải đầu tư không ít công sức, thời gian và chi phí cho việc học và thực hành nghề. Nhưng kết quả khảo sát của chúng tôi cũng đưa ra những con số đáng chú ý.
Về mặt kinh tế, khảo sát cho biết khả năng đầu tư cho học nghề của con cái các gia đình còn rất hạn chế. Ở Khu Kinh tế Dung Quất, bình quân mỗi hộ dân chỉ có thể đầu tư dưới 200.000 đồng/tháng nếu con cái còn đi học. Còn về chọn nghề, tỉ lệ thanh thiếu niên chọn học nghề hành chính - văn phòng chiếm tỉ lệ cao nhất: 36,6% trong số người được hỏi; trong khi các nghề kỹ thuật chỉ chiếm khoảng nửa tỉ lệ này, như cơ khí 18,2%, kỹ thuật điện 17,6%... Đối với khu vực có cơ sở công nghiệp lớn, đang phát triển mạnh mẽ như nói trên mà tỉ lệ thanh thiếu niên thích học nghề hành chính - văn phòng cao như thế rất đáng để suy nghĩ.
Ngoài ra, khi khảo sát định hướng nghề nghiệp của thanh thiếu niên miền núi, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều sai lệch về chuẩn mực văn hóa nghề ở nhóm người từ 11 – 17 tuổi. Ai cũng biết ở khu vực miền núi rất cần nhiều lao động phổ thông để phát triển, nhưng lại có đến 39,1% muốn chọn nghề dạy học; kế tiếp 17,2% chọn nghề y và 13,5% chọn công việc hành chính – văn phòng.
Xã hội hóa... văn hóa nghề
Chúng ta không thể chỉ giáo dục về kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đơn thuần; mà phải giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, giáo dục về ý thức nghề nghiệp, sự lựa chọn nghề nghiệp, nâng cao khả năng sáng tạo trong lao động cho lao động trẻ, thanh thiếu niên...
Theo Báo Người Lao Động, 20/8/2008

Nghề nghiệp dưới góc nhìn văn hóa


Nghề nghiệp dưới góc nhìn văn hóa
Giadinh.net - Lái ô tô vèo vèo nhưng chưa bao giờ học lái, sản xuất sữa có cả... chất độc... Lúc này là thời điểm mà cả xã hội đang chú ý đến một khía cạnh mới, đó là văn hóa nghề nghiệp.
Đang hình thành xu hướng mới
Với sự phát triển của hàng loạt nghề mới, mang bản sắc của xã hội hiện đại như môi giới chứng khoán, luật sư, chuyên gia phân tích tài chính, phân tích thị trường, chuyên gia tâm lý, môi giới đầu tư, bảo hiểm... xã hội đang đón nhận những nghề mới mà chưa có chuẩn mực về văn hóa nào. Chính vì chưa có nên trong hiện thực đời sống hôm nay đang tạo ra những rào cản, khó khăn trong sử dụng lao động và nâng cao hiệu quả lao động ngay từ khâu tổ chức sản xuất.
Nguyên nhân sâu xa và phổ biến hơn hết là chúng ta chưa quen và chưa thể thích nghi ngay với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Và thế là vấn đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy những hiệu quả bước đầu khiến các doanh nhân tiên tiến sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực này với quan niệm văn hóa cũng chính là một nguồn lực cho sản xuất và có hiệu quả kinh tế.
Những xung đột lao động trong đó có nguyên nhân vì văn hóa đang có xu hướng gia tăng. Có thể thấy ngay tại thị trường xuất khẩu lao động đang có xu hướng bị thu hẹp vì chất lượng nghề nghiệp và các vấn đề văn hóa đang làm cho nước ta mất dần lợi thế lao động. Thêm nữa, một bộ phận dân cư không nhỏ tỏ ra khó chấp nhận với nhiều nghề nghiệp mới đã phổ biến trên thế giới và gọi những người làm tư vấn, môi giới, làm công tác xã hội là “buôn nước bọt”...
Dạy nghề, dạy cả văn hóa
Tiến sỹ Dương Thị Liễu, Trưởng bộ môn văn hóa kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng: “Để nâng cao khả năng hội nhập của lao động nước ta, cần phải sớm đưa vào giảng dạy văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp. Người học nghề chỉ hiểu biết tri thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề thì chưa đủ. Nếu chỉ lo dạy cho người ta giỏi nghề thì mới là biết làm chứ chưa biết cách sống, tồn tại như một cá thể tự chủ trong xã hội...”.
Ứng xử thể hiện sự chủ động trong phản ứng có sự lựa chọn, tính toán thể hiện thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng... nhằm đạt được kết quả giao tiếp tốt nhất. Không quan tâm và không trang bị những kiến thức và kỹ năng ứng xử văn hóa, sẽ làm con người trở lên thiếu thân thiện và không thành công khi phải tiếp xúc với người khác, không chia sẻ, học tập được kỹ năng của người khác.

Tiến sỹ Dương Thị Liễu nhấn mạnh: “Người lao động Việt Nam còn rất lúng túng, thụ động, thiếu hiệu quả trong ứng xử khi tuyển dụng, khi bị chỉ trích, khi làm việc nhóm, khi mâu thuẫn với đồng nghiệp, khi giao tiếp với khách hàng, khi sống ở các quốc gia có nền văn hóa không tương đồng, khi ứng xử với “sếp” ít tuổi hơn mình, với “ma cũ” lão làng trong cơ quan, với những hành vi quấy rối...”. Bà cho rằng, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp cần phải đưa vào chương trình dạy nghề, góp phần nâng cao văn hóa nghề cho người lao động.

“Muốn làm phải có thời gian, và bây giờ chính là lúc để chúng ta làm việc đó, phải tác động trực tiếp và định hướng giá trị văn hóa nghề nghiệp cho thanh thiếu niên”, Tiến sỹ Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nói.

Nhóm PVKT