Lành nghề + văn hóa nghề = Nhân viên chuyên nghiệp!


Công nhân sẵn sàng bỏ việc, “cùng lắm thì về quê”, nhân viên công sở lên cơ quan… nghỉ mát; lao động sang làm việc ở nước ngoài có cơ hội là bỏ trốn… Đây là những ví dụ cụ thể, dễ hiểu cho một thuật ngữ trìu tượng, ít được nhắc đến: Văn hóa nghề - khái niệm được Hội dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) bàn bạc tại hội thảo Văn hóa nghề ngày 28/7 tại Hà Nội.
Cản trở vì tâm lý "sẵn sàng về quê"
Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội dạy nghề VN cho rằng, mỗi năm VN đào tạo được khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó, hàng trăm ngàn người đã có việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, một thực tế không thể phủ nhận là VN vẫn thiếu lao động có chất lượng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là văn hóa nghề chưa được trang bị đầy đủ!
Ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế VN đã chỉ ra một vấn đề được coi là khá nổi cộm đối với lao động xuất khẩu, đó là tình trạng “3 không”: không có nghề, không biết ngoại ngữ, không có tác phong công nghiệp.
Theo dẫn chứng của ông Tuấn Anh, sau khi đăng ký đi xuất khẩu lao động, người lao động mới được học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc nên tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hóa ứng xử nơi sẽ đi làm việc hầu như không nắm một cách đầy đủ.
"Do đó, chỉ cần có mâu thuẫn với chủ là lao động ngay lập tức bỏ làm, khiến kiện. Một số người không tuân thủ pháp luật nước sở tại, chơi cờ bạc, uống rượu, đánh nhau. Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn xảy ra ở hầu khắp các thị trường. Đó là do người lao động thiếu một “phông” văn hóa cần thiết" - ông Tuấn Anh khẳng định.
Về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học VN lại nhìn nhận: “Một tâm lý chung diễn ra trại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN,KCX) hiện nay là "sẵn sàng về quê”, chối từ những yêu cầu về quản lý công nghiệp”.
Theo ông Quốc, hiện tượng lao động bỏ việc, không chịu ký hợp đồng lao động lâu dài, không quan tâm đến việc nộp bảo hiểm lao động, sẵn sàng về quê là khá phổ biến và gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp.
Ngay cả với người lao động ở khu vực các cơ quan nhà nước, công sở, văn hoá nghề cũng không đáp ứng được yêu cầu. GS.TS Vũ Dũng - Viện trưởng Viện tâm lý cho hay: Tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm không cao của người lao động thể hiện ở cả các công sở, cơ quan nhà nước đó là tình trạng cán bộ đi muộn, về sớm, không làm đủ 8 giờ. Trong thời gian làm việc lại thiếu tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tụ tập đi uống cà phê, ăn nhậu… làm việc theo kiểu “nhất thân, nhì quen”...
Tình trạng thiếu hiểu biết về văn hóa lao động nghề nghiệp diễn ra trầm trọng hơn tại các làng nghề thủ công, tiểu công nghiệp. Hiện cả nước có 1.500 làng nghề với hơn 4,2 triệu lao động. Sản xuất với công nghệ lạc hậu, điều kiện an toàn lao động kém, nhân công không được đào tạo là nguyên nhân của tình trạng tai nạn lao động cao, tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp lớn, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, tác hại không chỉ tới người trực tiếp sản xuất mà toàn bộ dân cư sinh sống trong khu vực.
Dạy nghề, quên dạy văn hóa
Tuy nhiên, đi tìm một định nghĩa về văn hóa nghề là một việc không đơn giản. Bởi lẽ văn hóa là một khái niệm trìu tượng, khó cân đong đo đếm. Một cách tương đối, Hội thảo đã thống nhất đưa ra một “công thức”: văn hóa nghề = kiến thức nghề + trình độ tay nghề + đạo đức nghề + thái độ hành nghề + sự nhận biết, khả năng xây dựng và thích nghi môi trường.
Hiểu một cách đơn giản là văn hóa nghề có thể biến một người thợ lành nghề thành một người chuyên nghiệp.
Ông Ngô Thế Hiền, tác giả đề án Văn hóa nghề, đưa ra dự báo: Trong các KCN, KCX hoặc người lao động VN buộc phải theo môi trường văn hóa doanh nghiệp do giới chủ tạo ra, hoặc có phản ứng tiêu cực với môi trường đó. Cả hai đều không có lợi.
Ông Hiền phân tích, nguyên nhân là người lao động không có đủ kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề.
Mà thiếu văn hóa nghề biểu hiện ở hoạt động dạy nghề. Ông Hiền dẫn chứng: "Luật dạy nghề cũng như những quy định khác liên quan đến dạy nghề không hề có môn học hoặc tiết học có liên quan đến những tiêu chí được coi là liên quan đến văn hóa nghề".
Với lý do này, Ban chủ nhiệm đề án Văn hóa nghề dự kiến sẽ thành lập Trung tâm văn hóa nghề nhằm tiếp tục nghiên cứu, khảo sát thí điểm văn hóa nghề tại một số cơ sở dạy nghề và tại một số tổ chức kinh tế.
Đỗ Minh(nguồn: VietnamNet.vn)

Không có nhận xét nào: