Nghề nghiệp dưới góc nhìn văn hóa


Nghề nghiệp dưới góc nhìn văn hóa
Giadinh.net - Lái ô tô vèo vèo nhưng chưa bao giờ học lái, sản xuất sữa có cả... chất độc... Lúc này là thời điểm mà cả xã hội đang chú ý đến một khía cạnh mới, đó là văn hóa nghề nghiệp.
Đang hình thành xu hướng mới
Với sự phát triển của hàng loạt nghề mới, mang bản sắc của xã hội hiện đại như môi giới chứng khoán, luật sư, chuyên gia phân tích tài chính, phân tích thị trường, chuyên gia tâm lý, môi giới đầu tư, bảo hiểm... xã hội đang đón nhận những nghề mới mà chưa có chuẩn mực về văn hóa nào. Chính vì chưa có nên trong hiện thực đời sống hôm nay đang tạo ra những rào cản, khó khăn trong sử dụng lao động và nâng cao hiệu quả lao động ngay từ khâu tổ chức sản xuất.
Nguyên nhân sâu xa và phổ biến hơn hết là chúng ta chưa quen và chưa thể thích nghi ngay với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Và thế là vấn đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy những hiệu quả bước đầu khiến các doanh nhân tiên tiến sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực này với quan niệm văn hóa cũng chính là một nguồn lực cho sản xuất và có hiệu quả kinh tế.
Những xung đột lao động trong đó có nguyên nhân vì văn hóa đang có xu hướng gia tăng. Có thể thấy ngay tại thị trường xuất khẩu lao động đang có xu hướng bị thu hẹp vì chất lượng nghề nghiệp và các vấn đề văn hóa đang làm cho nước ta mất dần lợi thế lao động. Thêm nữa, một bộ phận dân cư không nhỏ tỏ ra khó chấp nhận với nhiều nghề nghiệp mới đã phổ biến trên thế giới và gọi những người làm tư vấn, môi giới, làm công tác xã hội là “buôn nước bọt”...
Dạy nghề, dạy cả văn hóa
Tiến sỹ Dương Thị Liễu, Trưởng bộ môn văn hóa kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng: “Để nâng cao khả năng hội nhập của lao động nước ta, cần phải sớm đưa vào giảng dạy văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp. Người học nghề chỉ hiểu biết tri thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề thì chưa đủ. Nếu chỉ lo dạy cho người ta giỏi nghề thì mới là biết làm chứ chưa biết cách sống, tồn tại như một cá thể tự chủ trong xã hội...”.
Ứng xử thể hiện sự chủ động trong phản ứng có sự lựa chọn, tính toán thể hiện thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng... nhằm đạt được kết quả giao tiếp tốt nhất. Không quan tâm và không trang bị những kiến thức và kỹ năng ứng xử văn hóa, sẽ làm con người trở lên thiếu thân thiện và không thành công khi phải tiếp xúc với người khác, không chia sẻ, học tập được kỹ năng của người khác.

Tiến sỹ Dương Thị Liễu nhấn mạnh: “Người lao động Việt Nam còn rất lúng túng, thụ động, thiếu hiệu quả trong ứng xử khi tuyển dụng, khi bị chỉ trích, khi làm việc nhóm, khi mâu thuẫn với đồng nghiệp, khi giao tiếp với khách hàng, khi sống ở các quốc gia có nền văn hóa không tương đồng, khi ứng xử với “sếp” ít tuổi hơn mình, với “ma cũ” lão làng trong cơ quan, với những hành vi quấy rối...”. Bà cho rằng, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp cần phải đưa vào chương trình dạy nghề, góp phần nâng cao văn hóa nghề cho người lao động.

“Muốn làm phải có thời gian, và bây giờ chính là lúc để chúng ta làm việc đó, phải tác động trực tiếp và định hướng giá trị văn hóa nghề nghiệp cho thanh thiếu niên”, Tiến sỹ Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nói.

Nhóm PVKT

Không có nhận xét nào: